Măng cụt là loại trái cây nhiệt đới, có vị chua ngọt ăn rất thơm và ngon. Thế nhưng bạn đã thực sự biết hết về những tác dụng của loại quả này, cùng cách chọn mua và bảo quản măng cụt tươi ngon ra sao chưa? Vậy hãy cùng www.quatangdoclavip.com tìm hiểu ngay sau đây nhé!
1. Mười một tác dụng của măng cụt đối với sức khỏe
Dưới đây là 11 tác dụng nổi bật của măng cụt mà bạn nên biết trước khi chọn dùng loại quả này nhé!
Ngăn ngừa ung thư
Măng cụt chứa nhiều chất chống oxy hóa, có khả năng chống lại các gốc tự do làm tổn tương tế bào, nhờ đó phòng chống được nhiều loại ung thư và tim mạch. Trong đó, phải kể đến là xanthones, có đặc tính oxy hóa mạnh, chứa trong thịt quả và nhiều nhất ở lớp vỏ măng cụt.
Vì lớp vỏ măng cụt hơi đắng nên trong Đông y người ta thường kết hợp với một số thành phần khác để tạo ra vị thuốc dễ uống hơn. Trong khi đó, thịt quả để ăn trực tiếp hoặc làm nước ép được xem là một trong những phương pháp tốt cho sức khỏe để phòng chống bệnh ung thư nhờ đặc tính kháng viêm mạnh mẽ và có thể hỗ trợ tiêu diệt các tế bào ung thư.
Ổn định lượng đường huyết
Người ta còn tìm thấy proanthocyanidin oligomeric và axit tannic trong măng cụt, hai chất này đã được nghiên cứu rất nhiều khi có tác dụng giúp ổn định đường huyết trong cơ thể. Do đó, đây cũng là loại trái cây tốt cho những người bị bệnh tiểu đường loại 2.
Bảo vệ sức khỏe tim mạch
Thành phần alpha-mangostin được tìm thấy trong măng cụt có khả năng mang lại sức khỏe cho tim mạch. Không những thế, các chất chống oxy hóa khác còn góp phần củng cố hệ tuần hoàn, giúp cơ thể giảm thiểu được tình trạng bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
Hỗ trợ giảm cân
Măng cụt có tính hàn, vị ngọt chua, mọng nước và chứa nhiều chất xơ, nhất là có hàm lượng calo thấp nên khi sử dụng loại quả này không làm ảnh hưởng đến cân nặng.
Ngoài ra, hợp chất xanthones trong măng cụt có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất, nhờ đó thức ăn và lượng mỡ được tích trữ trong cơ thể sẽ được chuyển hóa thành năng lượng hoạt động, giúp bạn giảm cân hiệu quả hơn.
Chống lão hóa
Măng cụt cũng chứa nhiều loại vitamin như vitamin A, vitamin C và E đều có lợi cho sức khỏe làn da, nhất là chống các tình trạng lão hóa như cải thiện nếp nhăn, giúp dưỡng ẩm da và cải thiện sức đề kháng, độ đàn hồi cho làn da.
Bảo vệ sức khỏe răng miệng
Tuy không có nhiều nghiên cứu chứng minh nhưng đã từng có một cuộc thử nghiệm nhỏ cho hay: những bệnh nhân sử dụng gel chứa thành phần từ măng cụt, khi bôi vào nướu răng có thể cải thiện tình trạng bệnh nha chu nhiều hơn so với người không sử dụng.
Có lẽ vì thế, bạn có thể dùng loại trái cây này để có thể tráng miệng cũng như bảo vệ sức khỏe răng miệng sau khi dùng bữa đấy!
Giảm mùi hôi của hơi thở
Nhờ đặc tính kháng khuẩn và oxy hóa mạnh, hợp chất xanthones trong măng cụt có thể ức chế sự hoạt động của vi khuẩn, nhờ đó giảm tình trạng hôi miệng và mang lại hơi thở thơm tho.
Tăng cường sức khỏe
Axit tryptophan được tìm thấy trong quả măng cụt, chất này có liên quan đến một chất dẫn truyền thần kinh - gọi là serotonin, có tác dụng gây ảnh hưởng đến giấc ngủ, khẩu vị và trạng thái tâm trạng.
Vì thế, theo kết quả nghiên cứu cho thấy việc ăn măng cụt có khả năng chống lại cảm giác mệt mỏi và tạo sự hưng phấn cho hệ thần kinh hoạt động.
Giảm huyết áp
Nếu cơ thể gặp phải tình trạng huyết áp cao, dễ gây ra bệnh xơ vữa động mạch, làm ảnh hưởng đến đường máu lưu thông và tăng khả năng bị đau tim hoặc đột quỵ.
Măng cụt được xem là loại quả tốt cho sức khỏe, có thể giảm huyết áp đối với những người có trọng lượng trung bình, nhờ đó ngăn được sự gia tăng huyết áp của mạch máu đường phổi.
Cải thiện viêm đường tiết niệu
Viêm đường tiết niệu cũng thường xảy ra trên cơ thể của những người có tuổi. Cụ thể, phụ nữ hay bị chứng tiểu thường xuyên là do sự thoái hóa tự nhiên của bộ phận cơ bắp vùng xương chậu. Trong khi, đàn ông là do tuyến tiền liệt tự nhiên bị to ra làm cho đường tiểu bị hẹp lại, dẫn đến việc ứ đọng một phần nước tiểu ở bàng quang sau khi tiểu. Tất cả các nguyên nhân này đều dễ gây ra bệnh viêm đường tiết niệu.
Người ta phát hiện hợp chất xanthones trong măng cụt có khả năng kháng khuẩn, có thể giúp cải thiện sự hoạt động của đường tiết niệu ở người phụ nữ lẫn đàn ông.
Cải thiện một số bệnh da liễu
Một số bệnh ngoài da như viêm da, mụn trứng cá, vẩy nến, chàm và chứng viêm ngứa thường được sử dụng thuốc steroids hoặc các loại kem chống nấm để điều trị.
Ngoài ra, bạn có thể dùng nước măng cụt để bôi rửa trên những vùng da đang bị tổn thương mà không lo bị phản ứng phụ so với việc dùng dược phẩm.
Cải thiện hệ thần kinh
Các hợp chất chống oxy hóa trong măng cụt có lợi trong việc phòng chống sự thoái hóa của hệ thần kinh, gồm việc giảm thiểu các triệu chứng như đãng trí, tay chân run bẩy và các bệnh lý thần kinh khác.
2. Một số lưu ý khi ăn măng cụt
Tuy măng cụt có lợi cho sức khỏe nhưng khi sử dụng bạn cần lưu ý đến số lượng tiêu thụ của loại quả này đối với độ tuổi và sức khỏe hiện tại, cụ thể là:
Phụ nữ đang mang thai và cho con bú: Đến nay vẫn chưa có đầy đủ thông tin nào khẳng định về việc sử dụng măng cụt có ảnh hưởng đến sự an toàn cho thai nhi và phụ nữ đang cho con bú. Tuy nhiên, bạn cũng nên cân nhắc và tham khảo ý kiến bác sĩ khi dùng trái cây này trong giai đoạn đầu mang thai và phụ nữ đang trong giai đoạn cho con bú.
Người chuẩn bị phẫu thuật: Hợp chất xanthone trong măng cụt có thể ảnh hưởng đến quá trình đông máu, thậm chí tương tác với thuốc làm loãng máu, gây xuất huyết tiêu hóa. Do đó, những người chuẩn bị phẩu thuật không nên dùng măng cụt, ít nhất 2 tuần trước khi giải phẫu.
Lưu ý khi ăn măng cụt đối với người chuẩn bị phẫu thuật
Người bị đa hồng cầu: Đa hồng cầu là một chứng rối loạn khi tủy xương sản xuất ra nhiều tế bào hồng cầu, dẫn đến việc tăng số lượng hồng cầu trong máu. Vì thế, những bệnh nhân này không nên sử dụng măng cụt vì trái cây này có thể làm tăng số lượng hồng cầu.
Người đang trong quá trình điều trị bệnh: Vì măng cụt chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa nên những người đang trong quá trình điều trị bệnh bằng thuốc, cần tránh dùng loại trái cây này vì ảnh hưởng đến hiệu quả mà thuốc mang lại.
Một số lưu ý khi ăn măng cụt đối với người đang điều trị bệnh
3. Cách chọn mua măng cụt tươi ngon
Dưới đây là một số mẹo giúp bạn chọn mua được măng cụt tươi ngon, phù hợp với nhu cầu sử dụng mà bạn có thể tham khảo:
Nên chọn kích thước quả vừa tay
Bạn ưu tiên chọn những quả măng cụt có kích thước vừa tay, to hơn quả bóng bàn một chút là được. Lúc này, hạt sẽ không to và thịt nhiều. Trong khi đối với quả măng cụt to thường có lớp vỏ dày và múi nhỏ. Ngoài ra, bạn có thể chọn măng cụt baby là những quả măng cụt có kích thước to hơn quả tắc, các múi thường bé và không có hạt.
Quan sát hình dáng quả
Quả măng cụt chín thường có màu đỏ tím sậm tự nhiên, không bị dập và bị chai cứng. Khi bóp trên bề mặt quả, cảm thấy mềm và đều tay.
Cách chọn mua măng cụt tươi ngon
Đếm cánh hoa thị dưới đáy quả
Phía dưới đáy mỗi quả măng cụt đều có một hoa thị màu nâu, mỗi cánh hoa sẽ tương ứng với mỗi múi thịt bên trong quả măng cụt. Đồng nghĩa với việc hoa nhiều cánh thì múi thịt măng cụt càng nhiều.
Đếm cánh hoa thị dưới đáy quả măng cụt
Nhận biệt măng cụt chín tự nhiên hay ngâm thuốc
Việc nhận biết măng cụt chín tự nhiên hay bị ngâm thuốc, giúp bạn chọn mua được loại trái cây ngon, có hương vị tự nhiên và tốt cho sức khỏe, cụ thể:
Măng cụt chín tự nhiên: Phần cuống nhìn tươi và tai quả măng cụt chuyển từ màu xanh ngả sang vàng, nhìn tự nhiên. Lớp vỏ ngoài có xu hướng chuyển từ màu hồng cánh sen sang màu cánh sen đậm, cho đến đỏ tím tự nhiên. Ngoài ra, đối với măng cụt chín tự nhiên, nếu để ở ngoài nhiệt độ phòng khoảng 3 - 4 ngày thường ăn cảm thấy không còn ngon nữa.
Măng cụt bị ngâm thuốc: Phần cuống và tai quả măng cụt có màu xanh gắt, nhìn không được tự nhiên. Vỏ quả có màu đen thẫm.
Nhận biệt măng cụt chín tự nhiên hay ngâm thuốc
4. Cách bảo quản măng cụt tươi ngon
Măng cụt là một trong những loại trái cây khó bảo quản vì nếu để quá lâu dễ bị chai cứng và ăn không ngon như lúc vừa mới hái. Vì thế, để bảo quản măng cụt tươi ngon, ngoài việc chọn mua măng cụt ở những nơi uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, thì bạn cũng nên áp dụng một số mẹo bảo quản như sau:
Phân loại mức độ chín măng cụt
Mức độ chín của măng cụt phần lớn thể hiện qua màu sắc của vỏ quả. Cụ thể:
Lớp vỏ măng cụt màu hồng đậm: sau khi hái 2 ngày thì ăn sẽ ngon.
Lớp vỏ măng cụt màu hồng tím sẫm: sau khi hái 1 ngày, ăn sẽ ngon.
Lớp vỏ măng cụt màu tím sẫm: ăn liền sẽ ngon.
Có thể thấy, việc phân loại mức độ chín của măng cụt sẽ giúp bạn thưởng thức loại quả này ngon hơn cũng như đảm bảo quả không bị dập trong quá trình bảo quản.
Phân loại mức độ chín măng cụt để bảo quản
Cân nhắc bảo quản trong tủ lạnh
Sau khi phân loại, đối với quả đã chín vừa ăn thì bạn có thể cho vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản. Vì nếu bỏ măng cụt chưa chín vào tủ lạnh, thì quả sẽ không thể chín tiếp được, lúc này dễ măng cụt dễ bị chai.
Khi bảo quản trong tủ lạnh, bạn nên cho măng cụt vào túi nylon có đục lỗ, ở nhiệt độ 13 độ C thì có thể giữ được đến 15 - 21 ngày. Hoặc nếu cho măng cụt vào túi lyon kín để ở nhiệt độ 2 độ C thì giữ được đến 28 ngày.
Ngoài ra, bạn nên ăn măng cụt càng sớm càng tốt, ít nhất trước 7 ngày để cảm nhận được hương vị thơm ngon. Đồng thời cũng tránh để măng cụt tiếp xúc trực tiếp với gió ngoài trời vì dễ làm cho chúng nhanh bị héo.